Tịnh Tâm Kiếm – Trong thế giới lan kiếm Việt, nếu coi kiếm Hoàng Long là cây lan kiếm var mang vẻ đẹp hào hoa phong độ bậc nhất tượng trưng cho Quân tử kiếm, thì đâu là cây kiếm mắm mang vẻ đẹp mộc mạc bình dị bậc nhất tượng trưng cho Thục nữ kiếm? Mỗi người sẽ có câu trả lời của riêng mình. Với tôi, đó chính là Lan Tịnh Tâm kiếm.
Lan Tịnh Tâm kiếm có những nét phi phàm cả về thân thủ và mặt hoa. Lá kiếm có thể dài gần 1m. Cứ vươn thẳng vút lên trời đúng ý nghĩa của một thanh kiếm (cây gột lá sẽ ngắn lại, trông đẹp hơn). Bản lá lớn, đạt 6-7cm, cây kiếm khoẻ gột lâu có thể đạt trên 7cm. Hoa lan Tịnh Tâm kiếm rất to, khuôn hoa bầu cánh sen, cánh dày như sáp. Và đặc biệt là 3 cánh đài nở rộng. Hai cánh hoa căng ngang tự nhiên không bị cụp. Khuôn hoa ổn định từ bông đầu đến bông cuối, giữ khuôn đến khi tàn. Cần hoa dài trên 1m, đạt trên 30 bông, chậu đủ lực có thể đạt đến 40 bông, phân hoa đều chỉnh chu, tỏa hương khá đậm. Phân cần hoa lan Tịnh Tâm Kiếm hơi thưa (đặc trưng thường thấy của lan kiếm bầu cánh sen cả cần). Nhưng do mặt bông to nên cũng khá hài hòa với cần hoa dài và bộ lá to khủng của cây Lan kiếm.
Xuất xứ của lan Tịnh Tâm kiếm là cả một giai thoại dài. Chủ đầu tiên của cây lan kiếm có nhà nằm sát hồ Tịnh Tâm ở Huế. Vốn khi xưa là vườn thượng uyển nhân tạo đẹp nên thơ dưới triều Nguyễn. Về sau các chí sĩ yêu nước như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Đặng Dung, Hoàng Diệu, Đặng Trần Côn … thường đến hồ câu cá để bàn việc nước. Hồ Tịnh Tâm còn nổi tiếng với sen Bách Diệp quí nhất trong các giống sen, có nhiều cánh nhỏ màu hồng và rất thơm. Giữa hồ Tịnh Tâm có các đảo Bồng Lai và Phương Trượng. Thời bé, chủ của cây kiếm thường chơi trên các đảo và thấy kiếm mọc ở đó khá nhiều. Cách đây 5 năm, chủ cây kiếm bắt đầu chơi lan, có chèo xuồng đến đảo Phương Trượng nằm giữa hồ lấy một bụi kiếm to khủng hơn 100 thân, đường kính hơn 1m về nhà để trấn vườn. Thấy lá lan kiếm vừa dài vừa to (đặt vừa bao thuốc Ngựa trắng), chủ nhân của cây kiếm gọi dân dã là “Đại Trường kiếm”. Bụi kiếm năm nào cũng cho hoa đều đặn. Nhưng trận lụt lớn ở Huế năm 2017 đã nhấn chìm tất cả, đẩy trôi bụi kiếm ra giữa hồ Tịnh Tâm mấy ngày. Hết lụt chủ nhân cây kiếm bơi xuồng ra vớt vào thì đã úng thối hết 2/3 bụi, sau cắt lọc trồng lại bụi kiếm đã hồi sinh xanh tốt, trổ 3-4 vòi hoa dài hơn cả mét.
Cây Đại Trường kiếm ấy cứ âm thầm lặng lẽ tỏa hương sắc vui cùng chủ nhân bên hồ Tịnh Tâm, như Tiểu Long Nữ xưa kia ẩn cư dưới đáy Tuyệt Tình cốc, chôn chặt mối tình sâu đậm với chàng cụt tay Dương Quá. Chỉ khi cuộc thi lan kiếm lần 1 năm 2018 của Hội lan Kiếm lá cứng Đất Việt tổ chức tại Huế, cây kiếm mới có cơ duyên lộ diện. Chủ nhân cây kiếm có ghé đến hội thi và nói chuyện với một kiếm thủ xứ Huế. Khi được xem hình ảnh, kiếm thủ này đã ngay lập tức cùng với chủ nhân quay về nhà mang bụi kiếm đến dự hội. Thật tiếc trong quá trình vận chuyển, cần hoa đã bị gãy mất 30cm đoạn đầu vòi, nên Ban giám khảo đã không chấm giải cho bụi kiếm. Dù vậy, cây kiếm vô danh chưa từng ai biết tới được đông đảo kiếm thủ trầm trồ khen ngợi. Với sự gợi ý của một kiếm thủ lão làng xứ Huế tại hội thi, cây kiếm được đặt tên chính thức là Tịnh Tâm kiếm. Ngay sau hội thi, bụi kiếm Tịnh Tâm được chia sẻ cho một số ít kiếm thủ mong muốn sưu tầm giống, coi như gia bảo để luyện rèn và bảo tồn, đến nay chưa từng có mặt trên thị trường.
Có thể ví von, lan Hoàng Long kiếm với Tịnh Tâm kiếm như một cặp Quân tử kiếm và Thục nữ kiếm, song kiếm hợp bích tung hoành trong thế giới võ hiệp. Hồn kiếm cũng như hồn người, từ cuộc sống đến thú chơi, từ thú chơi đến cuộc sống. Đó chính là thuyết âm dương, như có ngày thì có đêm, có mặt trời thì có mặt trăng, có nam thì có nữ… giúp giải thích sự cân bằng, hài hòa và chuyển hóa của vạn vật trong vũ trụ.
Và mùa hoa năm 2019, Tịnh Tâm kiếm một lần nữa trổ bông tuyệt đẹp tại vườn của một kiếm thủ đồng thời là người tu hành nơi xứ Huế. Giống kiếm quí không hổ danh được phát hiện giữa hồ Tịnh Tâm, được dung dưỡng bởi khí trời của vùng đất vương giả địa linh, được hun đúc bởi hương sen thơm ngát mỗi khi đến mùa. Ngắm nhìn Tịnh Tâm kiếm trổ những bông hoa lớn bầu cánh sen căng nở đượm màu mắm và tỏa hương, như tận thấy trời đất giao hòa, tâm tịnh lòng yên đến lạ thường…