Như Quỳnh Kiếm – Khi phong trào chơi kiếm lá cứng nở rộ trên cả nước 2 năm trở lại đây, nhiều mặt hoa kiếm mới đã được phát hiện và công bố từ dải đất miền Trung. Trong số đó, Như Quỳnh nổi lên như một cây kiếm đầy triển vọng.
Xét về thân thủ Như Quỳnh kiếm thuộc dạng khá. Lá láng xanh ngắt vút thẳng, bản lá thân tơ đạt gần 6cm. Cây khỏe, nhanh ấm bụi, măng mầm sạch. Cần hoa vàng xanh, thẳng, dày hoa, phân hoa đều chỉnh chu. Cánh bầu màu vàng sáng sủa vương ánh chớp nâu đỏ, giữ khuôn bầu cả cần từ bông đầu tiên đến bông cuối cùng. Trụ nhụy gần như sạch (có bông sạch hoàn toàn, có bông còn điểm vài nốt mắm nhỏ xíu). Hoa thơm nhẹ, càng về già càng thơm nức. Điểm đặc sắc nhất của Như Quỳnh là ở lưỡi hoa tròn rộng, khảm lưỡi liền gần bệt, có chút viền trắng và mảng trắng ở giữa lưỡi. Nhìn tổng thể bông hoa tươi tắn, tiết tấu màu giữa cánh, trụ nhụy và lưỡi có sự tương phản đặc biệt giữa màu vàng sáng và màu nâu đỏ đậm, mang nét thân thương, tỏa ánh lung linh dưới nắng.
Các bông kiếm Như Quỳnh nở bói năm 2018 hay nở lại năm 2019 nhìn chung có hai cánh hơi khép (kiểu “tai thỏ”) khiến một số người cho rằng mặt hoa hơi buồn, số khác lại thấy thú vị với độ e ấp của tuổi mới lớn. Riêng cây Như Quỳnh được một kiếm thủ nuôi trồng tại đất Củ Chi ở miền Nam đầy nắng với chế độ chăm sóc chu đáo (giá thể vỏ thông và than vụn, bón thêm phân cá, trùn quế…) đã cho bông nở bung cánh tự nhiên, lưỡi liền với mảng màu nâu đỏ rất sáng. Kiếm mắm cần có thời gian để chuẩn cây, chuẩn bông, nên các vụ sau cây đủ lực ấm chậu cần hoa có thể sẽ dài hơn, nhiều bông hơn (hiện tại đạt trên 20 bông), khuôn hoa sẽ căng đẹp hơn nữa, nhưng độ liền bệt của lưỡi hay độ bầu của cánh có thể sẽ biến thiên ít nhiều. Nhẽ ấy, với tầm nhìn 2020 được các kiếm thủ tâm huyết Bắc, Trung, Nam chăm chút luyện rèn, thẩm cây Như Quỳnh với hy vọng em nó sẽ thực sự chứng tỏ là một danh kiếm trong làng kiếm Việt.
Câu chuyện tìm ra cây Như Quỳnh có thể gói gọn trong một chữ duyên. Một kiếm thủ đồng thời là người chuyên đi rừng khai thác đặc sản (mật ong) vào một chiều tháng 7/2018 đã tình cờ phát hiện bụi kiếm tại kẽ đá của một tảng đá to nằm chính giữa lòng suối Mỏ Dọ chảy ra sông Trà Bồng, giáp mối cầu Phú Giang tại xã Trà Phú, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi – cách nhà anh chỉ khoảng 1km. Vậy đấy, xa tận chân trời gần ngay trước mặt, hảo kiếm đâu cứ phải nơi núi cao rừng thẳm mới tìm ra. Khi mang về anh có chia sẻ một số thân cho bạn bè dưới dạng kiếm xổ, còn lại đem trồng trong vườn nhà. Sau một thời gian cây kiếm trổ bông bói tuyệt đẹp, anh yêu mến đặt tên cây kiếm là Như Quỳnh phỏng theo tên cô con gái cưng của mình. Từ đó, cây kiếm Như Quỳnh được nhiều kiếm thủ mến mộ…
Quảng Ngãi là miền đất nhân kiệt địa linh của núi Ấn sông Trà. Với nền nhiệt cao và ít biến động, chế độ nắng, mưa ẩm phong phú, nơi ấy là cái nôi lý tưởng cho những cây hảo kiếm. Hầu như mỗi người chúng ta đều thuộc vài câu trong bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh – một người con đất Quảng Ngãi.
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi…”
Mềm như nước, và cứng cũng như nước. Nước sông quê đã hun đúc nên bản tính trọng tình, hiếu nghĩa, thủy chung, cũng như đã luyện rèn nên cốt cách thẳng ngay, bền bỉ, kiên cường vượt qua mọi quanh co, thác ghềnh trong cuộc sống của những người con Quảng Ngãi. Phải chăng, cũng chính dòng nước mát thắm đượm tình quê từ con suối nhỏ đổ ra sông Trà ấy, đã dung dưỡng nên cây hảo kiếm mang tên Như Quỳnh. Đất nước, con người và kiếm Việt – tự hào thay.