Lan phi điệp là loại lan có mặt hoa đẹp và giá trị kinh tế khá cao. Hiện nay lan phi điệp được trồng rất phổ biến, người chơi lan nào cũng sở hữu ít nhất 1 cây. Vậy đặc điểm nhận dạng, cách trồng và chăm sóc chúng thế nào cho hiệu quả. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời này nhé.
Mục lục nội dung
Lan phi điệp là gì?
Lan Phi Điệp còn gọi với cái tên khoa học là Dendrobium anosmum. Đây là loại lan ưa thích khí hậu nhiệt đới và được phân bố nhiều ở các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Thái Lan… Ở Việt Nam đây là loại lan có độ phân bố khá rộng trong rừng trải dài từ bắc đến nam.
Loài lan này ngoài tên Phi Điệp còn được gọi là lan Giả Hạc hay Lưỡng Điểm Hạc. (Rất nhiều bạn viết là Giã Hạc là không đúng nhé!). Hiện nay đây là loại lan có mức độ phổ biến cao và được người trồng rất ưa chuộng. Đặc biệt là với những mặt bông phi điệp đột biến có giá trị kinh tế rất cao.
Đặc điểm chung của lan phi điệp
Lan Phi Điệp thuộc dòng thân thòng bởi thân của chúng luôn mọc thòng xuống dưới. Khi ra hoa những thân này sẽ tạo thành một dải dài thành chuỗi trông rất đẹp. Điều đặc biệt ở loài lan này khiến nhiều người thích thú và bị cuốn hút đó là chúng có rất nhiều mặt bông biến thể khác nhau. Nhiều mặt hoa mang mang một vẻ đẹp lạ, vô cùng độc đáo rất thu hút.
Màu sắc hoa lan phi điệp khá đẹp với những biến thiên từ tím hồng đến trắng tinh. Mùi hoa nhẹ nhàng cùng với hương hương thoang thoảng rất dễ chịu. Thời gian hoa nở khá lâu, kéo dài đến 3 tuần, thậm chí hơn, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Nếu thời tiết đẹp, hoa có thể giữ sắc hương được lâu hơn so với dự kiến. Còn với điều kiện thời tiết xấu hoa sẽ héo, rụng trước tuần thứ 3.
Lan Phi Điệp có chiều dài thân khoảng từ 100 – 300cm. Những thân này có mức độ to nhỏ khác nhau tùy vào giống và vùng miền. Những loại thân nù to hình dáng đẹp rất được ưa chuộng. Tương tự như vậy những loại có lá to dạng như lá mít, dày và bóng cũng rất đẹp.
Cách nhận biết một số dòng lan phi điệp
Hiện nay xu thế chơi lan dòng thân lá và hoa bình thường đang chững lại. Người chơi bắt đầu chú ý đến các dòng lan phi điệp đẹp về thân thủ và mặt hoa là chính. Dưới đây là một số đặc điểm nhận biết các dòng phi điệp phổ biến mà mình biết.
Nhận biết lan phi điệp thân nù
Những giống phi điệp có thân to từ ngón tay cái của người trưởng thành trở lên sẽ được gọi là phi điệp thân nù. Độ to của thân sẽ qui định độ đắt và hót cuả từng loại lan. Một số vùng đất có nhiều giống thân nù nhất là Hoà Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá, và một số vùng lân cận những vùng này.
Không giống như hàng đột biến lan phi điệp thân nù rất dễ nhận biết bởi đặc tính rõ mà ai cũng có thể nhận thấy như thân to như ống tuýp hay cây mía. Nếu tính theo Ø thì thường từ Ø18 trở lên đã được gọi là thân nù. Nhưng chuẩn phải là Ø27, Ø29, Ø30 mới thực sự được giới chơi thân thủ săn tìm. Ngoài ra, một số đặc điểm cân nhắc khi chọn thân thủ là đốt ngắn hay dài, lá đan xen, phẳng mượt hay lá mít xếp.
Nhận biết lan phi điệp lá mít
Những giống phi điệp có bản lá rộng tròn tựa như lá mít hoặc phải gần đạt như vậy gọi là phi điệp lá mít. Lá càng to càng dày càng bóng và nổi gân lại càng đẹp. Lá lan phi điệp phải tròn đều chạy suốt từ gốc đến ngọn đó mới là lá mít chuẩn. Nhiều cây vài lá gốc tròn xoe nhưng đến lưng thân lá lại bé dần về ngọn, đầu lá nhọn không phải là lá mít chuẩn. Hoặc nếu nó mang tên lá mít thì chỉ bị người bán đội lốt mượn mác lá mít nhằm bán giá cao. Loại này vẫn được gọi vui là “đầu lá mít đít lá tre”.
Để nhận biết được cây lan phi điệp lá mít chuẩn không dễ mà cũng không quá khó. Điệp lá mít chuẩn có ở rất nhiều nơi khu vực miền Bắc Việt nam và Bắc Lào. Còn lại miền nam Việt nam và nam Lào hầu như không có. Có nhiều cây phi điệp kie năm 1 lên lá đồng xu tròn xoe. Sang năm 2 kie lá lại dài và nhọn không tròn nữa. Chính vì thế mọi người cũng rất dễ bị mua nhầm loại này. Tóm lại theo mình lá mít chuẩn phải đánh giá từ năm thứ 3 trở đi.
Nhận biết lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng
Thời gian gần đây việc săn tìm lan phi điệp độc lạ được giới chơi lan phát triển rất rầm rộ. Đặc biệt những mặt bông đặc sắc như phi điệp trắng, bệt, hồng, ám…. Mỗi mặt bông này lại có những biến thể về mắt hay độ đậm nhạt, độ to nhỏ của canh rất khác nhau. Thường khi mỗi người chơi lan tìm được một mặt bông độc lạ đều đặt tên cho nó riêng như: trắng đại ẩm, 5ct bùi việt, 5ct hòa bình, 5ctphú thọ, năm cánh trắng kim, Hồng yên thủy
Đặc điểm chung là các loại Lan Phi Điệp đột biến 5ct là chúng thường có giá rất cao. Bởi theo mọi người nó là loại khác biệt, mà con người luôn muốn sở hữu những thứ độc nhất vô nhị, khắp cả nước chỉ có một loại hoa như vậy. Những cây lan đột biến gen, lạ về hình dáng, độc về mặt hoa luôn hấp dẫn người chơi lan. Tuy nhiên muốn trồng được loại phi điệp đột biến cần trang bị vườn thật tốt như giàn phơi nắng, điều hòa làm mát, đồng bộ được mưa gió và kỹ thuật chăm sóc phải đúng.
Cách phân biệt lan phi điệp đột biến và thông thường cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần dùng mắt thường cũng có thể nhận ra 5 cánh nó trắng tinh. Đôi khi với những bông khó phân biệt với bông ám thì có thể ngắt bông ra để lên tờ giấy trắng. Nếu 5 cánh hoa trùng với màu trắng của giấy thì nó là 5ct và ngược lại nếu hơi có màu thì sẽ là ám.
Nhận biết các loại khác
Ngoài ra còn có các loại ám, hồng, bệt. Cách nhận biết những loại này mình đã có bài phân tích cụ thể rồi. Các bạn có thể tham khảo thêm tại
Cách trồng lan phi điệp cơ bản
Xử lý cây trước khi trồng
Cây lan phi điệp mang từ rừng về, hay tách trong vườn phải nâng niu bộ rễ tối đa. Rễ hỏng cắt bỏ, rễ xanh gìn giữ để tránh bị thui! Xử lý vết cắt bằng vôi, hoặc physan. Để chỗ mát cho khô ráo rồi đem trồng. Lưu ý nên tách trồng lại vào mùa nghỉ của cây lan.
Chọn giá thể, chậu trồng lan phi điệp
Các loại giá thể dùng trồng lan hiện nay có thể kể đến như: Vỏ thông, than, xốp, đá bọt, dớn, rêu, xơ dừa…. Chậu gỗ, sành, đất nung, nhựa… Gỗ, lũa, cây…
Trong những loại kể trên mình chọn chậu gỗ và đất nung, đá bọt, vỏ thông, rêu chi lê. Lý do đẹp, thẩm mỹ, dễ chăm, và đã qua thử nghiệm.Tất cả các giá thể trước khi trồng mình ngâm rửa sạch sẽ cho đến lúc nước rửa trong veo.
Tiến hành trồng lan phi điệp vào chậu
Cách trồng lan phi điệp vào chậu của mình cũng khá đơn giản. Dưới chậu mình thường đặt đá bọt, trên đặt chút vỏ thông to loại 1×2. Mục đích cho thoáng để rễ lan luồn lách đón được dinh dưỡng từ ánh sáng, không khí…. Trên cùng có thể là vỏ thông nhỏ, rêu trộn nhúm phân tan chậm tạo ẩm kích thích và nâng niu bộ rễ. Tiếp theo đặt lan vào sao cho bộ rễ không bị chạm. Sau đó mới lấp rêu hoặc vỏ thông vào rễ để tránh chột đầu rễ! Cố định lan cho bộ rễ vững tin đi mạnh mẽ. Hoặc đơn giản chỉ dưới xốp trên rêu hay vỏ thông cũng được cả.
Cách trồng lan phi điệp vào chậu bằng đá dưới đáy như vậy ưu điểm sạch và thoáng. Đá càng tưới càng sạch mà không đọng nước! Xốp cũng vậy, nhưng xốp không giữ ẩm được như đá! Khi tưới lưu ý ướt toàn bộ giá thể, chỗ khô chỗ ướt sẽ bị mốc.
Cách chăm sóc lan phi điệp
Chăm sóc lan phi điệp giai đoạn cây phát triển
Giai đoạn phát triển của phi điệp là lúc cây đã ra rễ và đang đi ngọn. Lúc này luâN phiên tưới 30-10-10+ B1 + Super thrive tuần/lần trong 2 tuần, tuần 3 thay 20-20-20, tuần cuối của tháng tưới phân hữu cơ. Hoặc tháng 2 lần và có thể thay đổi phân cho cây đủ chất dinh dưỡng khác nhau. (Chú ý tất cả các loại phân đều pha loãng = 1/2 hướng dẫn sử dụng).
Chăm sóc lan phi điệp giai đoạn mùa nghỉ
Mùa nghỉ của cây phi điệp là lúc cây đã thắt ngọn chuẩn bị cho hoa. Lúc này nếu muốn ít hoa, nhiều kie ta vẫn tiếp tục bổ sung 30-10-10+b1 nhưng thưa hơn. Bên cạnh đó chuyển cây đến chỗ râm mát, không cắt nước. Nếu muốn sai hoa chỉ cần bổ sung 6-30-30 tháng 2 lần và chuyển cây đến chỗ nhiều ánh sáng. Lưu ý: nếu muốn giò hoa thật sai và đều hoa 20,30 cm trên ngọn bạn dùng cái kim chấm vào kích duy chạm nhẹ 2 nốt vào thân, không đâm sâu, không cần bôi keo.
Còn cách tưới nước cho lan như thế nào cho hiệu quả thì bạn tham khảo thêm tại bài: Cách tưới nước cho lan từ a-z
Cách phòng và trị bệnh cho lan phi điệp
Với cách trồng lan phi điệp đang áp dụng mình chỉ phòng bệnh là chính. Vì vậy môi trường trồng lan phải luôn sạch sẽ trong lành, thoáng mát. Tháng phun nước vôi trong vào môi trường vườn và cây lan 1-2 lần. Lúc nào độ ẩm cao hay nấm mốc mình phun Benkona, hoặc physan. Ngoài ra mình không phun gì khác vì vườn lan ngay gần nhà nên tránh dùng nhiều thuốc. Giò nào bệnh mình cách ly để trị, không được thì bỏ.
Đó là cách trồng và chăm sóc lan phi điệp tại vườn nhà mình. Có lẽ sẽ còn rất nhiều chi tiết nhưng các bạn tự tìm hiểu thêm và bằng chính kinh nghiệm chăm cây với tiểu khí hậu của vườn nhà nhé.