Trong võ học, các kiếm thủ đều phải trải qua thử thách nghiệt ngã của 5 tầng luyện kiếm từ thấp đến cao, bắt đầu là luyện kiếm chiêu, rồi đến luyện kiếm thuật, luyện kiếm ý, luyện kiếm khí và cuối cùng là đạt cảnh giới thành kiếm đạo. Đạt đến tầng luyện kiếm nào là do sự rèn luyện, thực chiến và ngộ tính của mỗi người. Trong thú chơi lan kiếm lá cứng hiện nay, có lẽ cũng không đi ra ngoài các tầng luyện kiếm đó.

lan kiếm

1. Luyện Kiếm Chiêu – Làm quen với lan Kiếm

Đây là giai đoạn nhập môn của các tân thủ. Khởi đầu đam mê có thể là một cây lan Kiếm được cho tặng hoặc tình cờ mua đâu đó. Thấy hay hay, các tân kiếm thủ bắt đầu để ý tìm mua để dần bổ sung cho bộ sưu tập lan kiếm trong vườn nhà. Cùng với việc lướt mạng, tham gia các hội nhóm về kiếm. Sự ham muốn sưu tầm thêm các cây lan kiếm dần tăng lên, giống như các tân thủ háo hức học các chiêu kiếm mới.

Đặc điểm chung của các tân kiếm thủ ở tầng thứ nhất này là “chơi kiếm bằng tai hơn bằng mắt”. Nghe nói cây lan kiếm gì đó hay hay đang nổi, có vẻ được mọi người ưa chuộng thì sẽ tìm mua ít nhất 1-2 thân. Mua vậy thôi chứ chưa thực sự có đủ kiến thức và trải nghiệm để lựa chọn cho phù hợp. Các cú lừa đảo, nhầm nhọt, công nghệ PR để đẩy giá, chụp và sửa hình ảo… cũng thường nhắm đến các tân kiếm thủ ham rẻ mà lại thành đắt này. Đồng nghĩa với việc tiền dần xa rời hầu bao. Không ít kiếm thủ sau vài tháng đã thấy tốn một đống bạc cho các thân lan kiếm tậu về nhà. Lan kiếm tiên vũ, lô hội, rừng hay lai, Việt hay Thái mỗi thứ vài loại đủ cả.

Ở tầng này, đối với các kiếm thủ việc nắm được các kỹ thuật cơ bản để trồng lan kiếm không lụi, ra rễ lên mầm, ra được hoa đã là thành công, đã là cả một niềm vui sướng, bất kể đó là cây kiếm gì, hoa như thế nào. Nếu không kịp thời tỉnh ngộ, không ít kiếm thủ sẽ mãi ở tầng thứ nhất này. Mải mê sưu tầm các cây kiếm mà mình chưa có. Khi nhìn lại đã thấy trong vườn nhà là một đống tạp pí lù. Chuyện thật, không ít người bán lan kiếm cũng là những kiếm thủ đã ở các tầng cao hơn. Những cây kiếm ưng ý nhất họ hiếm khi bán ra (nếu không có việc gấp, không được giá thật tốt, không phải chiến hữu). Họ để giống, ủ mưu tự luyện. Vậy nên, các tân kiếm thủ mua sắm có trọng tâm. Tập trung hơn vào luyện kiếm là việc nên làm..

2. Luyện Kiếm Thuật – Luyện tay nghề trồng lan Kiếm

Qua tầng luyện kiếm chiêu cơ bản, các kiếm thủ có thể vươn lên tầng thứ hai. Đây là luyện kiếm thuật để từng bước trở thành cao thủ. Lúc này mối quan tâm của các cao thủ không chỉ là nhà mình có những cây lan kiếm gì. Mà quan trọng hơn là mình luyện kiếm như thế nào. Họ chỉ chọn mua những cây lan kiếm ưng ý, mua của những người bán hàng uy tín, hoặc chia sẻ giữa anh em đồng đạo, chấp nhận giá có thể cao.

Level tay nghề luyện kiếm trồng kiếm lên dần. Các cao thủ ngày càng chăm chút hơn cho những cây lan kiếm trong vườn nhà. Đỉnh cao của luyện kiếm thuật là những chậu kiếm láng mướt, xum xuê, không lỗi. Thân lan kiếm đạt 8 lá, củ to như lon bia, bản lá kiếm đặt vừa bao thuốc lá… (mà nguyên thuỷ có thể chỉ là một thân kiếm nhỏ nhoi).

Đây là tầng luyện kiếm dài nhất, bền bỉ đầy trải nghiệm, không thiếu thành công và thất bại. Ở tầng này, các kỹ thuật chọn giống, vào chậu, tưới tắm, phân thuốc, phòng chống rủi ro thời tiết, rủi ro kiếm tặc… cho lan kiếm ngày càng tinh tiến. Khi lượng người tinh thông kiếm thuật ngày càng nhiều. Nhu cầu cọ sát thực chiến, đàm luận chia sẻ, post ảnh, viết bài, cùng nhau thưởng lãm thành quả kiếm thuật lên mạnh. Đây là nền tảng rất tốt cho các hội nhóm ra đời và phát triển. Hoạt động sôi nổi của các cao thủ cũng chính là niềm cảm hứng cho các tân thủ bước vào làng kiếm.

3. Luyện Kiếm Ý – Lên hàng Nghệ Nhân về lan Kiếm

Qua tầng luyện kiếm thuật đến độ lành nghề, một số cao thủ có thể vươn lên tầng thứ ba là luyện kiếm ý, còn gọi là lĩnh hội tâm pháp. Lúc này thay vì hành tẩu giang hồ, rực rỡ thường xuyên, họ chọn cách lui lại một chút, im ắng một chút (chỉ lên tiếng khi thấy cần, hoặc thấy chướng tai gai mắt) để chuyên tâm tạo ra những tác phẩm kiếm ưng ý nhất.

Ở tầng này, họ đang trên đường trở thành nghệ nhân. Không phải lan kiếm điều khiển họ nữa, mà họ điều khiển kiếm. Các nghệ nhân không còn chỉ quan tâm đến có giò lan kiếm sao cho to khủng. Mà họ hướng tới giò lan kiếm đạt tới giò kiếm mang tính nghệ thuật. Thay vì thấy mầm kiếm mọc lên là vui sướng, họ sẵn sàng cắt mầm, xoay chậu, tách bỏ các thân già xấu… để có một giò kiếm đều hướng, đều thân củ lá đẹp toàn diện. Các nghệ nhân đã quá quen với việc cây lan Kiếm ra hoa lần đầu. Mối quan tâm của họ là cây lan thuần chậu đủ lực ra hoa lần 2, lần 3, lần thứ n. Điều họ cần là cây lan kiếm dần đạt đến độ chuẩn bông hoàn mỹ, làm sao ra hoa vào đúng thời điểm mà họ mong muốn…

Bởi vậy, trong tay nghệ nhân một giống lan kiếm rất bình thường cũng có thể được luyện thành một tác phẩm đẹp, có hồn. Mỗi chậu lan kiếm là một câu chuyện, một kỷ niệm. Với bao tâm sức bỏ ra, đừng hỏi tại sao các nghệ nhân thường không muốn bán những chậu kiếm tâm đắc này. Hoặc nếu bán thì sẽ có giá rất, rất khác những chậu kiếm cùng giống khác.

4. Luyện Kiếm Khí – Định hướng chơi Lan

Như trong võ học, để đạt đến đỉnh cao phải lên tầng luyện kiếm khí, đạt đến trình độ tôn sư, vô chiêu thắng hữu chiêu, que củi mục cũng có thể làm kiếm. Lúc này vấn đề là nội lực thâm hậu, là khám phá tinh hoa của thú chơi kiếm. Vẫn những cây kiếm đó, những kỹ thuật đó, những ý tưởng đó, những tâm pháp đó, nhưng đã được nâng lên tầng tinh tế thâm sâu, làm mà như không làm. Trông hành động bình thường mà thực ra ẩn tàng biết bao kinh nghiệm, bao bí quyết trong đó.

Các bậc tôn sư trong làng kiếm không có nhiều. Bởi luyện kiếm khí cần cả thời gian, cần cả tuổi tác (trừ phi ăn nhầm linh đơn diệu dược, tuổi trẻ tài cao). Mỗi người lại có những điểm mạnh, những đam mê riêng. Có người đam mê lai tạo, nhân giống lan Kiếm để cho ra đời những thanh kiếm đẹp mới mẻ hơn. Có người chỉ đam mê một số giống kiếm nào đó, một vài chậu kiếm nào đó, vận hết 12 thành công lực vào để có những tác phẩm tuyệt vời. Và cũng có người khi ở đỉnh cao bắt đầu “chán” lan kiếm, tìm tòi thêm các lĩnh vực khác, thú chơi khác để tự làm mới mình.

Bởi vậy, đừng ngạc nhiên khi thấy các bậc tôn sư thường rất đa tài, trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Hầu chuyện họ, từ kiếm họ có thể dẫn dắt người đối diện đến rất nhiều thứ khác, với những kiến giải mới lạ và thú vị.

5. Thành Kiếm Đạo

Cực đỉnh của hành trình luyện kiếm là Thành Kiếm Đạo. Lúc này kiếm đã là một tư tưởng, một triết lý. Người giác ngộ kiếm đạo tham sân si không còn, tranh đua không màng, việc chơi kiếm của chính mình không còn quan trọng nữa. Mà quan trọng ở tầng cuối cùng này là “phát dương quang đại”, làm sao ngày càng có nhiều người bước vào luyện kiếm, làm sao để các tân kiếm thủ bớt được những học phí vô nghĩa, tăng tiến nhanh trên bước đường luyện kiếm. Niềm vui và thành quả của các kiếm thủ chính là niềm vui và thành quả của họ. Như Trương Tam Phong đạt đến ngưỡng thái cực đăng phong. Niềm mong ước của ông là một võ lâm chính đạo, một phái Võ Đang truyền cho hậu thế.

Ở tầm này, thực ra mọi danh xưng chẳng còn ý nghĩa gì, chỉ còn “Kiếm lá cứng – một thú chơi đang lên của người Việt…”

Bài viết liên quan: Hiện tượng bén duyên kiếm, ngộ kiếm và nghiện kiếm

guest
2 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận
Huỳnh Ngọc Phong
Huỳnh Ngọc Phong
4 năm trước đây

Cho e hỏi kiếm của e là loại kiếm nào ạ, mới nở 1 ngày. Nhờ ae thẩm hộ.

20201109_161055.jpg
Lan Đột Biến
Lan Đột Biến
4 năm trước đây

Kiếm này gọi là kiếm 2 màu. 1 trong 4 loại kiếm phổ biến của Việt Nam nha bạn.
Bạn đọc bài viết sau đây nhé, mình cho liệt kê ra trong bài rồi: https://landotbien.com/lan-kiem-rung/