Lan Giáng Thu có tên khoa học là Aerides rubescens. Ngoài cái tên Lan giáng thu ra chúng còn được gọi là lan tiểu hoàng đỏ. Đây là loại lan đặc hữu của Việt Nam và chỉ được tìm thấy ở tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay số lượng loài này đang cạn kiệt dần và rất hiếm. Cùng tìm hiểu thêm 1 số thông tin về loài lan này nhé

lan giáng thu

Đặc điểm nhận dạng của lan giáng thu

Giáng Thu là loại lan đơn thân có thân thủ nhìn khá giống lan hoàng nhạn. Bộ lá lan xếp khít nhau vươn thẳng nhìn khá dày và cứng. Tùy vào từng loại mà cổ lá xếp hoặc cổ lá thưa thớt. Mỗi lá có kích thước độ dài từ 10-15cm, độ rộng của lá từ 2-3cm. Lá của lan Giáng Thu có màu xanh đậm hoặc màu xanh vàng tùy thuộc vào lượng ánh sáng mà cây tiếp nhận được. Ở phía cuối của lá có những vết khuyết chéo ở vị trí giao nửa lá này với nửa lá kia.

Hoa lan Giáng thu thường mọc thành cụm cong rũ rất dài. Đa phần hoa của chúng có chiều dài hơn cả chiều dài của lá. Tuy có tên gọi là hoa Lan tiểu hoàng đỏ song loài hoa này thực chất lại có sắc hồng hơi ngả tím, cánh hoa hẹp. Cánh môi không có khớp ở gốc, có hai thùy bên rất nhỏ, ngắn và cong, còn thùy giữa hình trứng thuôn. Cựa hình trụ mảnh, ở trong không có mụn cóc, dài khoảng nửa chiều dài của cuống hai và bầu.

Hoa Phong lan giáng thu thường cho hoa vào tháng 4 hàng năm. Một cây khỏe mạnh sẽ cho từ 3-5 ngồng hoa nhìn rất đẹp. Hoa lan giáng thu mọc thành từng chuỗi với những cánh hoa khá nhỏ. Nếu để riêng sẽ không có gì đặc biệt, nhưng khi nhập thành từng chùm lớn, giáng thu sẽ khiến cả một vùng không gian xung quanh như bừng tỉnh. Sắc hoa tươi tắn, thanh nhẹ, là sự kết tinh của hơi thở núi rừng.

hoa lan giáng thu

Đặc điểm sinh thái của lan giáng thu

Loài lan này sống nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên núi có độ cao từ 1000 – 1800m. Vì yêu cầu khí hậu lạnh ẩm nên hoa khá quý hiếm. Ở nước ta lan giáng thu chỉ được tìm thấy nơi vùng khí hậu lạnh ở tình Lâm Đồng.

Giáng thu đến nay vẫn là giống loài quý hiếm nhưng vẫn có không ít người muốn sưu tầm giống loài này. Bởi hoa đẹp không nhất thiết phải rực rỡ, bóng bẩy điệu đà. Một vẻ đẹp nhẹ nhàng riêng có, khó lòng trộn lẫn của Tiểu Hoàng Lan đã chinh phục nhiều người thưởng thức với những tình cảm đặc biệt mỗi lúc ngắm nhìn.

Cách trồng lan Giáng Thu

Lan Giáng thu có bộ rễ gió, nên đặc điểm sinh trưởng của nó là ưa thoáng mát, thích độ ẩm cao. Cây thích hợp nhất là được trồng trong những giá thể như gỗ, lũa. Hoặc trồng trong chậu gỗ được ghép thêm rêu và vỏ thông lớn dễ thoát nước. Khi trồng lan tiểu hoàng đỏ nên chú ý những điều sau.

Xử lý cây giống

Khi mới mua lan về nên cắt tỉa gọn gàng, cắt bớt lá, rễ dập rễ bị thối. Ngâm lan qua nước vôi trong hoặc dung dịch Physan 15-20 phút để trị nấm. Sau đó mới tiến hành trồng và ghép lên giá thể.

Nếu tách câu hoặc chuyển chậu, bạn nên tưới thật nhiều nước. Điều này giúp rễ cây mềm hơn, dễ tách hơn. Sau đó khoảng 20 – 30 phút, bạn bắt đầu tách từng rễ của lan giáng thu ra và chuyển sang giá thể mới.

Xử lý giá thể trồng cây

Bạn nên chọn giá thể để trồng cây cho phù hợp với kích thước của chúng. Nếu bạn mới ươm cây con, có thể sử dụng các chậu sứ. Còn nếu bạn muốn ghép cây trưởng thành thì nên dùng các loại gỗ, rêu giữ ẩm. Một điều quan trọng hơn cả là giá thể cần phải sạch và không chứa các loại sâu bệnh tiềm ẩn. Nhưng tốt nhất bạn nên trồng vào chậu để đảm bảo độ ẩm cho lan giáng thu phát triển tốt.

Tiến hành trồng cây

Nếu bạn trồng vào chậu thì nên giữ cho gốc thật chắc để cây không bị lung lay. Tùy vào khí hậu ở nơi bạn sống để tìm chỗ phù hợp cho lan giáng thu. Nếu như khí hậu vườn nhà khô thoáng, bạn nên trồng cây vào chậu để giữ ẩm tốt. Còn nếu kiểm soát độ ẩm trong vườn thì bạn có thể trồng trên gỗ lũa sẽ rất đẹp.

Hoa phong lan giáng thu

Dưới đây là một số hình ảnh về loài lan này được lan tự nhiên sưu tầm. Mục đích giới thiệu đến bạn đọc vẻ đẹp rực rỡ của cây. Để qua đó các bạn có tư liệu nhận biết loài lan tuyệt đẹp này

Xem thêm: Toàn tập về lan kiếm rừng

guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận