Chơi lan, Chơi Cá, Chơi Hoa
Mục lục nội dung
CHƠI LAN DƯỠNG TÍNH
Cá nhân bản thân em thì thấy “CHƠI LAN DƯỠNG TÍNH” vì khi bắt đầu đam mê sở thích này em thấy gặp được rất nhiều người dù già, dù trẻ cứ nói về cùng niềm đam mê sở thích lan này là gặp nhau như đã thân quen từ trước vậy.
Tính cách của những người chơi lan rất hòa nhã, nên người xưa hay có câu thưởng hoa ngắm trà là vậy. Đến 1 vườn lan lúc nào khách đến cũng được chủ vườn dẫn đi tham quan rồi ngồi vào bàn trà thưởng thức cái không khí của núi rừng, thưởng trà ngắm hoa, hương thơm, nắng dịu, gió thoang thoảng vừa phải.
Chơi lan luôn cần hội tự các yếu tố cân bằng như: nắng mà không nắng, thoáng mà không thoáng, ẩm mà không ẩm.
Cuộc sống cũng vậy ta luôn cần biết tự cân bằng cuộc giống của bản thân mình giữa sức khỏe, thời gian, công việc, gia đình……
Ấy thế nên người chơi lan thường có tính cách sống chậm hơn 1 chút so với người khác, sống chậm ở đây là để dừng lại, là để cảm nhận, là để biết rằng mình được gì, mất gì, có nên tiếp tục ganh đua với đời nữa không, cố gắng của mình như thế là đã đủ chưa, cuộc sống của mình như vậy là có thể cân bằng được hay chưa.
Người xưa có câu “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc” tức là “Biết đủ tức là đủ, đợi đủ biết bao giờ cho đủ” diễn nghĩa nhiều khi biết rằng cuộc sống là phải cố gắng, tuy nhiên cũng phải biết điểm dừng để chậm lại nhìn nhận cuộc sống, nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình, biết vừa cho đủ.
Người chơi lan cũng vậy, dùng thời gian để giành cho niềm đam mê của mình tức là đã bớt ganh đua với đời, bớt những thói hư tật xấu nhất là của người đàn ông. Người chơi lan có những niềm vui thật đơn giản, như em, chỉ cần nhìn giò lan ra rễ xanh, thân lan ra thêm lá non mới hay khi cây khỏi bệnh, mình cảm thấy mừng vui lắm, cứ rảnh là ra ngắm và chăm sóc lan, niềm vui đơn giản chỉ có vậy.
Nối dài mạch bài viết, xin dẫn lời bài viết của tác giả tranchan79
CHƠI CÁ DƯỠNG TÂM – CHƠI CÂY DƯỠNG TRÍ – CHƠI CHIM DƯỠNG THẦN.
Chơi Hoa, Chơi Chim, Chơi Cá là một trong những thú chơi tao nhã của người xưa. Con người muốn đưa thiên nhiên gần gũi tới với trốn xa hoa đô hội mới tìm cách đến với thiên nhiên, đưa thiên nhiên về nhà mình.
Chơi Cá Dưỡng Tâm, Chơi Cây Dưỡng Trí, Chơi Chim Dưỡng Thần. Con người học cách chơi cũng là học cách hàm dưỡng tính cách.
Nhân Chi Sở Tính Bản Thiện, Tính Tương Cận, Tập Tương Viễn. Bản chất con người sinh ra vốn trong trắng, bởi nhiễm thói hư tật xấu bên ngoài mới sinh ra cáu bẩn, bần tiện, hung ác.
Hàm dưỡng tính cách chính là tập trung suy nghĩ xem đâu là phải, đâu là trái. Rồi hành động sao cho không bị lệch đường, không bị rơi vào con đường mê muội.
Giang Sơn Di Cải, Bản Tính Nan Di.
Núi sông đổi thay, chỉ có lòng người là bất biến. Tính cách một người không khi nào thay đổi. Họ chỉ có thể hàm dưỡng tính cách của mình sao cho nó dung hòa hơn mà thôi.
CHƠI CÁ DƯỠNG TÂM
Ngày bé xíu chơi Cá Chọi. Nuôi để chúng chọi nhau. Khi mua phải chọn sao cho khéo: mình phải dày, vây phải cứng, mắt không được lồi ra ngoài. Cá chọi vốn là ngoài cá sống đơn lẻ. Khi còn nhỏ nó sống theo bày đàn. Lớn dần lên sẽ xuất hiện tính dữ, nó tách đàn sống riêng. Mới mua về cần phải “om” cho nó cục tính. Khi chọi nhau mới có khả năng thắng cao.
Bà Nội bảo: Chơi gì giống cá hung ác ấy? Học bà vớt rong đuôi chó, đuôi cao về mà nuôi cá vàng cho nó đẻ. Nuôi Cá sao cho lớn lên sẽ ra 3 đuôi, 4 đuôi và có màu đỏ rực. Không phải nuôi ra rặt giống Cá 2 đuôi màu xanh xám hệt như Cá Diếc. Gặt phắt đi vì chơi Cá Chọi còn có tính ăn thua. Thắng sẽ được mang Cá Chọi về nhà.
Lớn dần lên biết suy ngẫm về cuộc sống mới nhận ra triết lý: Chơi Cá Dưỡng Tâm.
Không thể vội vàng, không thể nóng nảy trong việc chăm sóc Cá. Cho ăn sao cho đúng, thay nước sao cho chuẩn. Pha muối sao cho không mặn quá, không nhạt quá. Nước để phơi bao lâu mới đem dùng…
Hơn hết là nuôi cá nào với cá nào để không bị chúng cạnh tranh sinh tồn tiêu diệt lẫn nhau.
Chơi Cá khiến cho tâm tính thư thái, không còn nóng nảy bộp chộp. Dưỡng Tâm Như Thu Thuỷ là thế đấy.
CHƠI CHIM DƯỠNG THẦN
Âm thanh thật kỳ diệu. Loài động vật còn được ưu ái hơn thực vật là biết dùng âm thanh phục vụ cho cuộc sống. Đừng bao giờ tư duy rằng: Chỉ có con người mới biết thể hiện cung bậc cảm xúc của mình qua âm thanh. Loài Chim biết luyến láy âm điệu, âm tiết theo vui buồn cảm xúc.
Trong Thất Khiếu: Mắt có 2 và Tai cũng có 2. Trong Ngũ Tạng, Tâm có 4 ngăn: Tâm Thất và Tâm Nhĩ. Tâm Nhĩ phải chăng chính là Đôi Tai bên trong để cảm thụ những gì không nhìn thấy và không nghe thấy?
Sáng sớm uống chén chè sen ngút khói, nghe tiếng chim Chào Mào hót sớm. Chiều tối đun rơm nếp trong bếp, khói cay sè mắt vẫn mơ mộng tới tiếng Chim Gáy gù nhau trên mái nhà. Những mệt mỏi tan biến cả. Bao nhiêu xô bồ của cuộc sống bị ngăn chặn bởi tiếng chim hót tự do.
CHƠI CÂY DƯỠNG TRÍ
Chơi Cây Dưỡng Trí là khó cảm thụ nhất. Con người sinh ra vốn có kẻ khôn, người đần độn. Trí Tuệ là sự thông suốt. Làm người có biết bao nhiêu U Mê bao vây xung quanh. Trí Tuệ thật khó mà Minh Mẫn.
Cây là Thực Vật. Tưởng nó vô tri vô giác. Nào ai biết nó cũng là một kiếp: Có Sinh Có Lão Có Bệnh và Có Tử. Cây trồng ngược mọc ngược, trồng xuôi mọc xuôi. Chỉ có một điều bất biến là Cây Luôn Tìm Cách Hướng Về Mặt Trời.
Trí Tuệ con người phải kiên định như vậy mới được. Trí Tuệ nuôi dưỡng từng ngày từng ngày mới có. Giống như cái cây tích luỹ thật lâu mới có thể đơm hoa, kết trái.
…..
Mỗi khi thấy Tinh Thần đi xuống tự kéo nó lên bằng ý chí của bản thân. Vẫn hướng mình vươn tới sự tự do đích thực. Giống như con Chim ngoài trời hót vang thỏa mãn. Chứ không phải con Chim trong lồng tù túng bạc nhược. Vẫn ngày ngày tự nhủ với lòng mình cần phải khôn khéo hơn chút nữa. Sống thật với lòng mình hơn chút nữa. Cố gắng tránh bị những ham muốn cám dỗ. Cố gắng đi đúng hướng để không thẹn với lòng mình.
Cuộc đời biến động, lòng người không như ý ta mong. Tâm sao động, tâm bấn loạn. Cố gắng cho nó nhẹ nhàng trở lại. Học cách yêu người như yêu chính bản thân mình. Cố gắng không làm tổn thương ai cả.