Cách chăm sóc lan phi điệp hiện nay rất đơn giản và dễ dàng. Thực tế việc trồng và chăm sóc để cây lan phát triển tốt và sai hoa không khó. Chỉ cần chúng ta nắm được đặc tính của cây lan và áp dụng phân bón thích hợp cho cây qua từng thời kì. Sau đây mình xin chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc lan phi điệp chi tiết từ việc tưới nước như thế nào và bón phân gì cho lan hiệu quả. Mời các bạn tham khảo.
Mục lục nội dung
Cách tưới nước chăm sóc lan phi điệp
Ngay từ khi lan phi điệp ra mầm gốc, bạn phải đặc biệt chú ý khâu tưới nước. Cần đảm bảo độ ẩm ổn định. Không tưới quá nhiều nước vì sẽ dễ làm lan sinh bệnh thối nhũn và chết nhanh. Để khô quá cũng làm lan phi điệp không hấp thu được dinh dưỡng, phát triển kém. Quá khô thân sẽ teo tóp không có khả năng ra hoa hoặc ra hoa nhưng hoa nhỏ, ít.
Chính vì thế việc đảm bảo đủ ẩm giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt nhất. Cần lưu ý tránh để cây lan khô quá, một thời gian mới tưới (cái này nhiều người mắc). Vì nếu khô cây bị chột và việc chăm cho cây phát triển trở lại rất mất thời gian.
Việc tưới nước cho lan phi điệp cần căn cứ vào tình hình thời tiết, giá thể và tiểu khí hậu vườn lan của bạn …để tưới cho phù hợp. Nên tạo thói quen cảm nhận về độ ẩm chậu lan để tưới cho hợp lý. Cây lan ưa tưới nhẹ như phun sương và tưới nhiều lần. Nhiều người nói tưới ngày 1,2,3…lần là không chính xác mà thấy khô thì tưới.
Cách chăm sóc lan phi điệp
Khi chăm sóc lan phi điệp phải cung cấp đủ dưỡng chất cho nhu cầu phát triển của cây. Cũng như các loại lan khác, lan phi điệp chỉ phát triển tốt nhất khi ta cung cấp đủ các yếu tố đa, trung, vi lượng cho cây. (Phân bón này có bán ở các cửa hàng vật tư về lan). Phần lớn phân bón tổng hợp người ta đã tích hợp đủ các chất cần thiết cho cây. Khi mua, bạn nhìn bao bì có chữ NPK +TE là ok rồi.
Tuy nhiên, tùy theo giai đoạn phát triển, cây lan phi điệp cần hàm lượng chất dinh dưỡng khác nhau. Khi chăm sóc bón phân cho phi điệp ta cần chú ý đến điểm này. Thời kỳ cây con, cây mới lớn cần cung cấp phân bón hàm lượng đạm cao. Thời kỳ cây chuẩn bị ra hoa cây cần lân cao.
Cách bón phân cho lan phi điệp qua từng giai đoạn phát triển
Cách chăm sóc lan phi điệp giai đoạn cây con và trưởng thành
Với cá nhân mình, khi lan phi điệp mới lên mầm tôi bón cứ 2 – 3 lần phân NPK 30.10.10 thì xen 1 lần phân NPK 20.20.20. Mỗi lần cách nhau 5-15 ngày, theo chỉ dẫn trên bao bì. Nếu tưới phân dày (các lần tưới gần nhau) thì pha nhạt hơn. Tôi rỗi việc nên thường tưới 5 ngày/lần và pha bằng 30-50% hướng dẫn trên bao bì. Việc bón xen NPK 20.20.20 giúp cây lan phi điệp cứng cáp tăng khả năng chống chịu bệnh hơn.Giai đoạn mơi lên mầm này này cần xen kẽ 15 – 20 ngày/lần bón cho cây một trong các loai thuốc (chế phẩm) kích thích tăng trưởng như: Suprthive, B1, Atonick, hoặc GP…tùy theo bạn có loại nào.
Xem thêm: tác dụng của Suprthive cho lan
Cách chăm sóc lan phi điệp giai đoạn bắt đầu thắt ngọn
Khi cây ngừng phát triển (mọi người thường gọi cây đứng ngọn hay cây thắt ngọn). Đây là giai đoạn cây tích lũy dưỡng chất để chuẩn bị ra hoa và là lúc phải chuyển phân bón. Tôi áp dụng 2 lần NPK 20.20.20 xen kẽ 1 lần NPK 6.30.30 và 1 lần NPK 30.10.10. Đến khi cây ra nụ thì ngưng tưới lên thân và chuyển tưới vào gốc tránh làm hư nụ. Khoảng cách giữa các lần bón phân và tỷ lệ pha như giai đoạn trước đây. Giai đoạn này lưu ý tuyệt đối không dùng các loại thuốc kích thích tăng trưởng.
Bón như vậy vừa giúp cây ra hoa nhiều, hoa to và màu sắc tự rỡ hơn. Việc bón xen phân NPK 30.10.10 để cây khỏe, vụ tới cho mầm nhiều và khỏe hơn. Giai đoạn này có người nói cắt nước nhưng cá nhân tôi vẫn tưới bình thường. Ngoài bón phân định kỳ bạn nên rải một ít phân tan chậm vào gần gốc cây sẽ tốt hơn.
Lưu ý để chăm sóc lan phi điệp đúng cách
Để lan phi điệp ra nhiều mầm, khoảng cuối tháng giêng, đầu tháng 2 (âm lịch) bạn dùng một trong các loại thuốc kích keiki như Keiki Duy xanh hoặc Atonick +B1. Pha theo hướng dẫn trên bao bì tưới vào gốc lan kèm theo duy trì độ ẩm và… chờ.
Trên diễn đàn về lan, nhiều người đưa ra quan điểm nói không với phân thuốc. Lại có người chỉ dùng phân hữu cơ. Cá nhân tôi xác định mình đang sống ở giai đoạn khoa học phát triển. Đã trồng lan thì phải chăm sóc thì cây mới phát triển tốt được. Cây không phân thuốc không thể tốt bằng cây được bón phân đầy đủ đúng cách.
Về dùng phân hữu cơ, đây là phân của những năm đầu thế kỷ trước. Ta không thể kiểm soát được thành phần các chất trong phân. Điều nữa, cây lan phi điệp chỉ hấp thu dinh dưỡng ở dạng khoáng chất. Nên phân hữu cơ phải có thời gian phân hủy lan mới hấp thu được. Trong khi ngày nay, khoa học phát triển người ta đã chế ra phân bón tổng hợp. Thành phần xác định cụ thể giúp cây lan hấp thu nhanh hơn, tốt hơn cớ sao ta không sử dụng. Quan trọng là phải sử dụng có kiểm soát và không được lạm dụng.
Một số cách sai lầm thường gặp khi chăm sóc lan phi điệp
Khi chăm sóc lan phi điệp để áp dụng đúng cách ta phải chú ý hạn chế những việc sau:
Bệnh thích xê dịch: Giò lan nên treo ổn định ở chỗ thoáng. Nhiều gió nhưng gió nhẹ, nếu gió to quá nên dùng lưới che bớt. Lan phi điệp cần nhiều nắng nhưng ta nên tránh nắng có cường độ mạnh kẻo làm cháy lá. Không nên đi chuyển giò lan nhiều. Vì mỗi lần chuyển sẽ làm thay đổi hướng nắng, hướng gió. Lan phi điệp lại mất một khoảng thời gian nhất định để thích nghi với chỗ ở mới. Lúc này cây sẽ phát triển chậm lại. Thân lan sẽ tìm vươn theo hướng ưa thích dẫn đến thân dễ bị vặn vỏ đỗ nhìn rất xấu. Nói thì vậy nhưng việc giữ ổn định vị trí được giò lan không hề đơn giản
Trồng ngập gốc: lan phi điệp trồng để chơi hoa chứ không lấy củ! Nên đừng bao giờ chôn gốc lan dưới chậu. Nhớ đặt gốc nổi trên mặt giá thể.
Nghiện tưới: bệnh này mới trồng hay bị nè. Đi thì thôi, về đến nhà thấy gốc hơi khô là xách bình ra xịt lấy xịt để. Lan nói chung thường chết vì thừa nước, ít khi chết vì thiếu nước. Các bạn chú ý nhé
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp những bạn mới chơi có thêm kinh nghiệm về cách chăm sóc để bảo tồn lan phi điệp một trong những loài Phong lan quý này!