Để đánh giá khuôn bông hoa lan kiếm đẹp thì cũng như những cái đẹp khác. Cái đẹp trong mắt kẻ si tình không ai giống ai cả. Giống như chấm thi hoa hậu, với lan Kiếm vẫn có những tiêu chí chung cần bàn luận để làm nền tảng cho việc đánh giá một khuôn bông hoa kiếm đẹp.

hoa-lan-kiem

1. Khuôn bông tổng thể:

Chúng ta có thể tham khảo cách đánh giá tổng thể khuôn bông hoa lan kiếm khi nhìn thẳng, dựa trên lý thuyết 2 hình tam giác ngược nhau. Tương tự như cách đánh giá khuôn bông Cattleya, nhưng ở mức độ hoàn chỉnh kém hơn. 1 hình tam giác là đỉnh 3 cánh đài, và 1 hình tam giác lồng ngược lại là đỉnh 2 cánh hoa và lưỡi hoa (xem ảnh).

Một bông hoa kiếm được coi là có khuôn bông “đẹp” nếu đạt được sự tròn trịa, đầy đặn, cân bằng, đối xứng, hài hòa. Cánh bay mở không bị cụp, không bị bẻ, không vặn vẹo. Nếu hai cánh hoa quá dựng, hoặc hai cánh đài dưới quá rủ hoặc sệ làm giảm giá trị của khuôn bông.

Nguyên tắc chung là vậy, nhưng luôn có sự khác biệt ý kiến khi khuôn bông có sự lệch chuẩn nhất định. Vì “nhân vô thập toàn” – một bông hoa lan kiếm mạnh mặt này có thể yếu mặt khác. Ví dụ, một số kiếm thủ vẫn đánh giá cao bông kiếm có hai cánh dựng hoặc hơi cụp (coi là khuôn bông “e ấp”, “tuổi trăng tròn”). Nhưng nhiều kiếm thủ khác thì không (coi là khuôn bông “buồn”, “hãm”), chỉ đánh giá cao bông kiếm có cả 5 cánh mở bay chỉnh chu cân đối.

2. Cánh hoa lan kiếm

a. Các mức độ bầu của cánh hoa:

Các kiếm thủ thường miêu tả độ bầu của cánh bông hoa kiếm lá cứng tương tự cách miêu tả độ bầu của cánh bông địa lan truyền thống. Theo đó, “cánh mai” (như cánh bông mai), “cánh sen” (như cánh bông sen), “cánh tiên” (như cánh hoa thủy tiên) là 3 cấp độ bầu từ cao xuống thấp của cánh. Còn dạng cuối cùng không bầu gọi là “cánh trúc” (thuôn dài, mảnh, nhọn như lá trúc). Tựu chung lại, độ tròn đầu cánh và độ rộng bản cánh sẽ quyết định mức độ bầu của cánh (liên quan đến độ xếp khít của các cánh tạo nên khuôn hoa đầy đặn).

Một số kiếm thủ khác thì dường như thiên về đánh giá “cánh mai” hơn (ví dụ, kiếm thủ trong Nam có thú chơi cây mai, không phù hợp khí hậu chơi địa lan như ngoài Bắc). Vậy nên, có những mặt hoa kiếm thủ này khen là “bầu cánh sen”, “bầu cánh tiên” nhưng kiếm thủ khác có thể coi đó là hết sức “bình thường”, chẳng có gì gọi là “bầu” cả, vì còn lâu mới đạt tiêu chí “bầu cánh mai” (do bản cánh không đủ tròn rộng, không xếp khít nhau). Sự khác biệt trong tiêu chí đánh giá cánh bầu này cũng là rất bình thường.

b. Bông hoa dùng để đánh giá độ bầu của cánh:

Nhìn sang các bạn Tây lông, một mặt hoa chỉ được đánh giá chấm điểm khi cần hoa đã nở tối thiểu 50% (có hội còn yêu cầu 65-75%) số bông để thấy hết được khuôn hoa cả khi mới nở và khi nở căng.

Nhẽ đó, với nhiều kiếm thủ, cách chụp ảnh và đánh giá khuôn hoa nói chung và độ bầu của cánh nói riêng dựa trên một vài bông đầu cần, khi hoa mới nở e ấp… rất dễ dẫn đến tình trạng bị “lừa tình” khi mua bán (vì bông đầu cần, bông vừa mới nở bao giờ chả đẹp nhất, cánh bầu nhất). Ngược lại, một số kiếm thủ khác có thể phản bác, nếu quá xét nét chỉ đánh giá hoa nở căng (nở sau một vài ngày) thì đến cây thuộc dòng top 1 top 2 nhìn cũng chả bầu, chả khác cánh trúc là mấy; và nhìn nhận một vài bông đầu cần khi hé nở cũng hợp lý giống như chấm thi hoa hậu tuổi trăng tròn khi vẻ đẹp toàn mỹ nhất.

c. Cây kiếm dùng để đánh giá độ bầu của cánh:

Một khái niệm thường được dùng là hoa có “giữ khuôn” từ bông đầu tiên đến bông cuối cùng hay không. Nếu bầu mà lại giữ khuôn, gần tàn vẫn bầu, bông cuối cần vẫn bầu, thì quá tuyệt vời. Cái này liên quan đến câu chuyện dinh dưỡng. Chỉ khi cây khỏe cần hoa khỏe mới đủ sức nuôi hoa bầu cả cần, không thì các bông sau sẽ đuối thê thảm. Cánh bầu cần nhiều dinh dưỡng, nên cây kiếm cánh bầu thực sự mà lại sai hoa, dầy hoa thì không có nhiều.

Vậy nên các kiếm thủ thường dùng từ “luyện kiếm” để chăm cây khỏe đẹp về thân thủ, đủ lực nuôi cả cần hoa dài, nhiều bông, cánh bầu và khoe sắc chuẩn như kỳ vọng. Hoa bói trên thân già, hoa năm đầu có thể chưa nói lên được điều gì, mà phải hoa sau 2-3-4 năm mới có thể coi là chuẩn. Công phu là vậy. Ngay các bạn Tây lông cũng yêu cầu cây kiếm đưa vào chấm điểm dự thi phải được chủ cây nuôi trồng liên tục trước đó ít nhất 12 tháng.

Hiểu được câu chuyện dinh dưỡng này, nhiều kiếm thủ sẽ bớt đi những băn khoăn, thắc mắc tại sao bông kiếm của mình nở ra không bầu như bông hoa mẫu được quảng cáo, vì trước tiên cần xem lại bông của mình nở trên thân kiếm nào, đã đủ ổn định hay chưa. Nói vậy, cũng không thể viện dẫn lý do “hoa chưa đạt chuẩn do cây chưa khỏe, ổn định” để che lấp những khuyết điểm vốn có, mang tính di truyền của bông kiếm.

d. Tầm quan trọng của cánh bầu đối với khuôn bông:

Cánh bầu giúp bông kiếm lá cứng – vốn có kích thước nhỏ – nhìn lớn hơn, tròn trịa đầy đặn, cân đối hài hòa hơn (xem ảnh). Vậy nên, đối với các kiếm thủ Việt, cánh bầu thường là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong đánh giá khuôn bông. Ví như một bông kiếm mắm cánh bầu đẹp có thể được các kiếm thủ đánh giá cao hơn nhiều bông kiếm đột biến khác. Tuy nhiên, kể cả khi cánh trúc mà khuôn bông kiếm có sự hài hòa chỉnh chu vẫn có vẻ đẹp riêng của nó.

3. Lưỡi hoa:

Cái lưỡi (và trụ nhụy) là điểm nhấn trung tâm, rất quan trọng đối với khuôn bông hoa kiếm, không chỉ để thu hút côn trùng làm nhiệm vụ thụ phấn cho hoa, mà cũng thu hút ánh nhìn của chúng ta. Các kiếm thủ Việt khi đã quen với khuôn bông bầu tiêu chuẩn sẽ thấy thú vị khi đi tìm sự đặc sắc, nổi trội nơi lưỡi hoa. Riêng các bạn Thái đặc biệt coi trọng cái lưỡi, như với dòng kiếm lưỡi đỏ Thái.

Nhẽ đó, bông Vàng Củ Chi hoặc bông Jindamanee của Thái khi đã nở căng chả mấy ai gọi là cánh bầu nhưng tổng thể khuôn hoa cân đối, trụ nhụy sạch và cái lưỡi đặc biệt đẹp của nó vẫn được nhiều kiếm thủ Việt đánh giá thuộc loại xuất sắc hàng đầu.

Lưỡi hoa được coi là đẹp phải vươn cong mềm mại, không bị cụp quặp, vặn vẹo, lệch lạc, nhăn nhúm, kể cả khi hoa mới nở và hoa nở căng. Đầu lưỡi bầu tròn rộng mở (như lưỡi bông Taiwan Original) hoặc hình trái tim duyên dáng (như lưỡi bông Vàng Củ Chi) là điểm cộng.

Về nguyên tắc, lưỡi hoa cần có kích thước tương xứng, hài hòa cân đối với toàn bộ khuôn hoa. Riêng với một số dòng kiếm có điểm nhấn quan trọng nhất ở lưỡi, như dòng kiếm lưỡi đỏ Thái hoặc dòng kiếm chớp (splash), thì khuôn lưỡi thường hơi to dài “quá khổ” một chút để có thể bộc lộ hết sự đặc sắc của cái lưỡi liền bệt của bông kiếm.

Tiêu chí đánh giá về màu sắc của 5 cánh và màu sắc của lưỡi, trụ nhụy, liên quan đến các khái niệm var. alba, var. semi-alba, splash, cánh sáng màu, lưỡi liền bệt, lưỡi đỏ miếng, trụ nhụy sạch… không thuộc phạm vi bài này (các bạn Tây lông đánh giá khuôn bông và màu sắc mỗi tiêu chí chiếm 30% trong thang điểm 100). 

Tuy nhiên, các kiếm thủ thường ghi nhận sự biến thiên của lưỡi hoa kiếm mắm, đặc biệt là biến thiên về màu lưỡi (có thể biến thiên giữa các bông hoa trên một cần, giữa các cần hoa trong một chậu, giữa các lần nở hoa khác nhau của cùng một chậu đó). Như một số kiếm thủ nói “khó bảo hành về lưỡi hoa mắm”, vấn đề này cần tìm hiểu thêm.

guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận